鎖国 ( Sakoku )

Tỏa Quốc (tiếng Nhật: 鎖国, Sakoku; Hán-Việt: Tỏa quốc, nghĩa là "khóa đất nước lại") là chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong hơn hai thế kỷ, từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Theo lệ Sakoku thì không người nước ngoài nào được vào Nhật Bản và ngược lại người Nhật cũng không được rời xứ sở nếu không được triều đình cho phép; kẻ vi phạm phải chịu án tử hình. Chính sách này được Mạc phủ Tokugawa ban bố dưới thời Tokugawa Iemitsu qua một số chỉ dụ từ năm 1633 đến năm 1639, sau đó được duy trì cho đến năm 1853 khi phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry đến Nhật Bản và ép triều đình Nhật Bản phải thông thương trước áp lực quân sự. Lệ sakoku cấm người dân Nhật Bản ra nước ngoài vẫn còn hiệu lực cho đến thời Minh Trị Duy tân (1868) mới bắt đầu được nới lỏng và cuối cùng là bãi bỏ.

Thuật ngữ Tỏa Quốc được rút từ tác phẩm Tỏa Quốc Luận (鎖国論) (Sakoku-ron) của Shikizu Tadao (志筑 忠雄) ("Chí Trúc Trung Hùng") soạn năm 1801. Trước đó Shikizu đã dịch tác phẩm thế kỷ 17 của nhà du hành người Đức Engelbert Kaempfer khi viết về Nhật Bản. Kaempfer nhận xét rằng chính sách kaikin (海禁), hay "hải cấm" của triều đình Nhật Bản đã khóa kín quốc gia đó nên Shikizu mượn ý niệm đó mà đặt ra sakoku.

Đúng ra Nhật Bản không hẳn biệt lập dưới chính sách Tỏa quốc vì vẫn có ít nhiều giao lưu với các nước lân bang. Việc nghiêm cấm đối ngoại áp dụng nghiêm ngặt nhất với hai ngành ngoại thương và ngoại giao để hạn chế các thế lực ngoại quốc. Bằng chỉ định phiên chúa địa phương nào được quyền giao tiếp với ngoại quốc, phiên chúa nào không, chính quyền trung ương có thể kiểm soát một cách chặt chẽ mà không cần trực tiếp canh gác mọi cửa biển.

Mạc phủ cho phép:

  1. Người Hà Lan là người Âu châu duy nhất được đặt chân lên đất Nhật Bản. Thương điếm chỉ được đặt ở Dejima (Nagasaki)
  2. Người Trung Hoa cũng phải qua ngả Nagasaki để có thể được bước chân vào Nhật Bản
  3. Nhà Lý Triều Tiên thì có chính quyền trên đảo Tsushima làm trung gian
  4. Các bộ tộc người Ainu thì phải thông Chính quyền Matsumae ở Hokkaidō
  5. Vương quốc Ryūkyū thì có phiên Satsuma đảm trách

Thương đoàn ngoại quốc, ngoài việc giao dịch với các phiên chúa địa phương còn phải gửi tặng phẩm đến dinh phủ của Mạc phủ tại Edo. Hành trình của sứ đoàn ngoại quốc lên tận Edo cũng là dịp thần dân Nhật Bản thấy thoáng qua nét sinh hoạt, trang phục của người nước ngoài.