官话 ( Quan thoại )

Quan thoại (giản thể: 官话; phồn thể: 官話; bính âm: Guānhuà) là một nhóm các ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Hán được nói khắp miền Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Vì phần lớn các dạng tiếng Quan thoại phân bố ở Miền Bắc Trung Quốc, nhóm này có khi được gọi là Bắc Phương thoại (北方话; běifānghuà). Nhiều dạng Quan thoại không thông thể hiểu được lẫn nhau, ví dụ như quan thoại Tây Nam và quan thoại Hạ Giang. Tuy vậy quan thoại thường được coi là một ngôn ngữ duy nhất chứ không phải một nhóm các ngôn ngữ khác nhau và thường đứng đầu trong danh sách ngôn ngữ theo số người bản ngữ (gần một tỷ người nói). Tiếng Bắc Kinh, một dạng quan thoại, được chọn làm cơ sở ngữ âm cho Hán ngữ tiêu chuẩn

Đa số các dạng Quan thoại có bốn thanh. Những âm tắc cuối từ trong tiếng Hán trung cổ đã mất đi trong hầu hết các dạng quan thoại, nhưng ở một số dạng quan thoại chúng hợp thành âm tắc thanh hầu /ʔ/. Nhiều dạng Quan thoại, gồm cả tiếng Bắc Kinh, giữ lại âm quặt lưỡi đầu từ đã biến mất ở những nhóm tiếng Trung phương Nam.

Trong thiên niên kỷ thứ hai của Công nguyên, thủ đô Trung Quốc chủ yếu toạ lạc trong vùng nói Quan thoại giúp nâng tầm quan trọng của dạng tiếng Trung này. Từ thế kỷ XIV, một số dạng ngôn ngữ hình thành dựa trên một số dạng Quan thoại đã đóng vai trò là lingua franca. Vào đầu thế kỷ XX, một dạng chuẩn (Hán ngữ tiêu chuẩn) có ngữ âm dựa trên tiếng Bắc Kinh, từ vựng và ngữ pháp được lấy từ nhiều dạng Quan thoại được chọn là quốc ngữ. Hán ngữ tiêu chuẩn nay là ngôn ngữ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đài Loan và là một trong bốn ngôn ngữ chính thức của Singapore. Đây cũng là một ngôn ngữ hành chính của Liên Hợp Quốc. Quan thoại còn là một trong những dạng tiếng Trung thường gặp trong những cộng đồng Hoa kiều trên toàn thế giới.